Sách là viên ngọc tri thức của nhân loại và có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống con người. Nhờ đọc được những cuốn sách hay mà người ta có thể thay đổi cách sống, cải thiện tinh thần và có những định hướng đúng đắn cho sự nghiệp. Nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm 2018 với chủ đề: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân” (Hồ Chí Minh)
Chính vì vậy Thư viện trường Tiểu học Đoàn Kết xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng các bạn học sinh cuốn sách “Kể chuyện Gương hiếu học” do Phương Thùy, Hoàng Trang (Biên soạn):
Với khổ : 14 x 21cm
Bề dày : 199 trang
NXB : Văn Học
Trang bìa được tác giả chọn màu xanh hòa bình với nền vàng nhẹ nhàng làm nổi bật dòng chữ đầy khuôn mẫu “Kể chuyện gương hiếu học”. Bên dưới của trang bìa là hình ảnh vị nho sĩ đang dùi mài kinh sử. Cuốn sách gồm 41 câu chuyện khác nhau như: Bùi Xương Trạch – Học hay cày giỏi (trang 81).
“Bùi Xương Trạch sinh năm 1451, người làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Là con một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ ông đã phải quen công việc đồng áng. Bố mẹ cho đi học nhưng ông vẫn chăm làm. Khi đi bừa ông đều mang sách để vừa bừa vừa ôn bài. Nhà nghèo không có tiền mua đèn thắp, đến mùa có đom đóm, ông bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để lấy ánh sáng đọc sách. Trong kỳ thi Hội, mỗi bài thi cách nhau mười hôm, ông đều tranh thủ về ôn thi và ra đồng cày cấy, không bỏ phí một ngày….Khi xướng danh, bạn bè thấy tên ông đã cử người về tận làng… ”
Vừa đi thi, vừa tranh thủ cày bừa, liệu chúng ta có làm được điều đó không?
Hay câu chuyện Lê Thánh Tông – Trống dời canh còn đọc sách (trang 83).
“ Lê Thánh Tông (1442-1497) tên thật là Tư Thành, lúc còn nhỏ gọi là hoàng tử Hiệu…Ông học hành sáng dạ, lại rất cần cù chịu khó, sớm tối không rời việc đọc sách…Lê Thánh Tông là người giàu tình cảm, chuộng điều thiện. Đối với mẹ cũng là người chí hiếu…, vào đầu năm mới vua ăn mặc giả làm thường dân…Đi tới đâu nhà vua cũng thấy la liệt những câu đố ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị…Riêng nhà nọ, chẳng treo đèn kết hoa…Vua rẽ vào hỏi chủ nhà trả lời:
- Chả nói giấu gì bác, nhà cháu làm cái nghề hèn hạ quá, nên chẳng dám phô phang gì với ai cho thêm tủi!
Vua ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại có nghề gì là nghề hèn hạ?
Chủ nhà thưa:
- Dạ nhà cháu chỉ chuyên đi hót phân người để bán thôi ạ!
Nghe xong, vua cười nói:
- Nếu vậy nhà bác đây là sang trọng bậc nhất, mà nghề của bác cũng vẻ vang bậc nhất, việc gì mà lại kêu là hèn!...
Là một vị vua quyền cao, chức trọng nhưng Lê Thánh Tông luôn luôn cảm thông, gần gũi với nhân dân.
Hay câu chuyện Phạm Hào – Cậu bé đi ở Đỗ Thủ khoa (trang 191). Phạm Hào sinh ra và lớn lên tại thôn An Mỹ, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, nổi tiếng hiếu học hay chữ…
Phạm Hào thuở nhỏ nhà nghèo phải đi ở thuê, chăn trâu cho bá hộ. Bá Hộ có hai con trai làm thầy đồ, vẫn vừa dạy học vừa ngày đêm dùi mài kinh sử, quyết tâm theo đường cử nghiệp…
Trong những ngày đi ở, Phạm Hào rất chăm chỉ việc trà nước, đèn dầu…Cậu thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi, lân la học lỏm…Thấy Phạm Hào ham học, hai thầy rất mến phục, tận tình chỉ dạy cho đến nơi đến chốn.
Năm 1897, tức năm Thành Thái thứ 9, trường Bình Định mở khoa thi Hương, hai thầy cho gọi Phạm Hào đến, khuyên chàng đi thi cùng họ. Phạm Hào thoái thác vì không có tiền lệ. Hai thầy nghĩ ra một kế vẹn toàn: phí gánh đồ đoàn cho hai thầy, tiền lệ phí các thầy chịu…
Kết quả kỳ thi, Phạm Hào đỗ thủ khoa, hai thầy rủi ro đều thi hỏng…
Phạm Hào đã chăm chỉ học tập như thế nào, sự tận tình giúp đỡ của hai thầy đồ với Phạm Hào như thế nào mời các em cùng tìm đọc cuốn sách: “Kể chuyện gương hiếu học” mang số đăng ký cá biệt TR 193,194,195 được đặt trong tủ sách Đạo Đức của trường Tiểu học Đoàn Kết
Các em ạ! Lúc sinh thời Hồ Chủ Tịch đã căn dặn:
“Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi.”
“Trong cách học phải lấy tự học làm cốt.”
Là một học sinh trên đất Thủ đô ngàn năm văn hiến chúng mình đã có những việc làm thiết thực gì? Ngay từ bây chúng mình hãy chăm học, chăm làm xứng đáng là “Con ngoan trò giỏi”, xứng đáng là “Cháu ngoan Bác Hồ”. Tất cả thầy giáo, cô giáo, các em học sinh nhiệt liệt hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm học 2018. Chủ đề: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”.
Dưới đây là một số hình ảnh trong phần giao lưu:
Cô Nguyễn Thị Liễu đọc diên văn Khai mạc "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời" năm 2018
Cô Hoàng Lệ Giang giới thiệu cuốn sách" Truyện kể gương hiếu học"
Các bạn học sinh vui mừng khi được nhận quà trong phần giao lưu