Được sự phân công của Phòng GD&ĐT quận Long Biên, sáng ngày 22/8/2024, tại Hội trường Khu liên cơ, ngành GDĐT quận Long Biên tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025. Tiểu học Đoàn Kết vinh dự được thay mặt các Trường Tiểu học trên địa bàn quận Long Biên báo cáo tham luận "Tổ chức hiệu quả, sáng tạo các hoạt động giáo dục kĩ năng mềm cho học sinh tiểu học". Tham luận đã giới thiệu trước hội nghị những biện pháp tổ chức, triển khai hàng năm, hàng tháng, hàng tuần, mỗi ngày của nhà trường nhằm trang bị kĩ năng mềm, kĩ năng sống, kĩ năng tự phục vụ cho các em học sinh từ đó góp phần phát triển toàn diện "Trí - Đức - Thể - Mỹ" tạo sự an tâm khi cha mẹ học sinh gửi gắm con em theo học tại trường. Với những hình ảnh báo cáo chân thực, sống động, phương pháp tổ chức đa dạng, phong phú, cụ thể, dễ triển khai, mang lại hiệu quả cao nên tham luận được các cấp lãnh đạo, đồng nghiệp đánh ghi nhận, đánh giá cao.
Thầy giáo Đặng Vũ Hiệp báo cáo tham luận tại Hội nghị
Nội dung bài tham luận tại Hội nghị:
Kính thưa các vị đại biểu, thưa các thầy cô giáo dự Hội nghị.
Lời đầu tiên, tôi xin được kính chúc các vị đại biểu, các thầy cô giáo dự Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 của ngành GDĐT quận Long Biên có thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Trước tiên tôi nhất trí với bản Báo cáo tổng kết năm học 2023-2024 và Triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, xin được chúc mừng những thành tích của ngành GD&ĐT quận Long Biên trong năm học vừa qua. Để làm rõ hơn những kết quả đạt được đáng tự hào của ngành trong năm học 2023-2024, được sự phân công của Ban tổ chức, tôi - Đặng Vũ Hiệp – giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Đoàn Kết trình bày tham luận “Tổ chức hiệu quả, sáng tạo các hoạt động giáo dục kĩ năng mềm cho học sinh tiểu học.”
Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể Hội nghị!
Trong xu thế phát triển chung của xã hội ngày nay, đối với học sinh tiểu học nhiều gia đình thường quan tâm tới kết quả học tập với kì vọng khen thưởng cuối năm của con đạt học sinh Xuất sắc hay học sinh Tiêu biểu, chú trọng đến kiến thức văn hoá nhiều hơn phát triển kĩ năng. Bên cạnh đó Internet, công nghệ 4.0 có sức hút rất lớn đối với các em. Ngoài việc học tập văn hoá, các em học sinh dành nhiều thời gian cho việc xem tivi, lướt web, trò chơi điện tử mà sao nhãng việc rèn luyện những kĩ năng tự phục vụ bản thân phù hợp với lứa tuổi. Vì vậy nhiều em còn lúng túng trong việc xử lí các tình huống gắn với thực tiễn cuộc sống, đặc biệt các tình huống gây nguy hiểm cho bản thân các em.
Xuất phát từ thực tế đó, việc giáo dục các kĩ năng mềm cho các em học sinh tiểu học có vai trò quan trọng, giúp các em phát triển toàn diện “Trí - Đức - Thể - Mỹ”. Hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, tư liệu giáo dục kĩ năng mềm cho các em rất nhiều: trên các phương tiện internet, ti vi, sách báo…tuy nhiên để những kiến thức đó đến được với các em và trở thành kĩ năng thành thục thì chưa nhiều. Với vai trò là giáo viên Tổng phụ trách Đội trong nhà trường, tôi luôn trăn trở tổ chức như thế nào để có hiệu quả các hoạt động giáo dục này để mỗi em học sinh của trường tiểu học Đoàn Kết có thể chủ động, tự tin ứng phó với các tình huống cụ thể trong cuộc sống, để các em có những kĩ năng phục vụ bản thân?
Kính thưa quý vị!
Ngay từ đầu năm học, Trường Tiểu học Đoàn Kết đã bám sát các văn bản chỉ đạo của ngành GD&ĐT các cấp, của UBND quận Long Biên, thực hiện chủ đề năm 2023, 2024, lựa chọn nội dung đưa vào kế hoạch giáo dục nhà trường, tổ chức các phong trào thi đua thu hút học sinh tham gia.
Bên cạnh triển khai việc dạy văn hóa theo khung chương tình của BGD&ĐT, nhà trường còn chủ động xây dựng các hoạt động giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng mềm lồng ghép trong các tiết Sinh hoạt dưới cờ, các hoạt động trên lớp, tiết sinh hoạt Sao/Đội, giờ ra chơi theo các chủ điểm tháng theo văn bản hướng dẫn các cấp và theo kế hoạch giáo dục của Trường Tiểu học Đoàn Kết. Mỗi nội dung được tổ chức mục tiêu rõ ràng, hình thức tổ chức đa dạng, phong phú có cả trực tiếp và trực tuyến, quy mô triển khai linh hoạt dành cho một nhóm lớp, một khối hoặc học sinh cả trường. Các nội dung được triển khai đồng bộ với 05 biện pháp cụ thể như sau:
1. Tổ chức các cuộc thi nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường chăm sóc cây xanh, giữ gìn vệ sinh trường lớp
Đây là hoạt động chúng tôi tổ chức thi trực tuyến ngay từ đầu năm học với mong muốn thông qua Hội thi tạo môi trường lớp học thân thiện, trong lành để các em học sinh và thầy cô giáo yêu mến lớp học của mình hơn và quá trình "dạy và học" hiệu quả hơn góp phần tích cực xây dựng nhà trường "Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn - Văn minh - Hạnh phúc". Tiêu chí của cuộc thi đảm bảo không gian lớp học được bài trí gọn gàng, khoa học, trang trí góc làm việc theo chủ đề “Xanh, thân thiện”. Các cây xanh trang trí đảm bảo an toàn, có thẩm mỹ. Không gian làm việc có lịch ghi chú công việc sáng tạo, có slogan ngắn gọn để ở vị trí trung tâm bàn nhằm nuôi dưỡng cảm xúc tích cực. Sau cuộc thi, GVCN cùng các em HS chăm sóc cây xanh, duy trì không gian lớp học đến hết năm.
Thông qua cuộc thi muốn rèn các em học sinh trong toàn liên đội đức tính gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ như tác phong anh bộ đội cụ Hồ. Mỗi em học sinh sẽ sắp xếp góc học tập của mình một cách sạch sẽ, khoa học, trang trí thân thiện sau đó nhờ cha mẹ, người thân trong gia đình chụp lại góc học tập đó và gửi ảnh cho GVCN của lớp. Thông qua cuộc thi này các em học sinh sẽ luôn biết cách sắp xếp góc học tập của mình một cách gọn gàng, giữ góc học tập sạch sẽ để có kết quả học tập tốt hơn. Việc tổ chức các cuộc thi trực tuyến và trực tiếp không hề gây áp lực cho giáo viên, cho học sinh, không tốn kém mà tạo được hiệu ứng tích cực tạo sự gắn kết giữa giáo viên, cha mẹ học sinh, các em học sinh trong việc phối hợp, chia sẻ, đồng hành giáo dục. Việc tổ chức các cuộc thi trực tuyến còn giúp công tác truyền thông được hiệu quả, lan tỏa các chủ trương, chính sách của ngành, hình ảnh nhà trường đến cha mẹ học sinh, cộng đồng và xã hội.
2. Tổ chức Sân chơi cuối tuần nhằm trang bị, giáo dục kĩ năng “tự phục vụ” cho học sinh
Xuất phát từ việc nhiều em chưa có khả năng tự phục vụ, thường phụ thuộc vào bố mẹ, trong quá trình tham gia hoạt động bán trú tại trường có quá nhiều học sinh chưa biết phục vụ bản thân, tham gia hoạt động còn ngại khó, Sân chơi cuối tuần với chủ đề “Truyền thống chú bộ đội cụ Hồ” chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 là dịp để các em học sinh rèn luyện thể lực, sự nhanh nhẹn, khéo léo, sự dũng cảm, kiên cường vượt qua khó khăn như tính cách của chú bộ đội đồng thời còn rèn cho các em kĩ năng tự phục vụ như buộc dây giày, gấp quần áo. Tham gia sân chơi là liên tiếp các thử thách các em học sinh phải vượt qua như: bật nhảy qua nhiều chướng ngại vật, lăn lốp bánh xe di chuyển, hai tay ôm đầu lăn tròn trên mặt đất, bò qua hầm, nhảy dây và thực hiện kĩ năng gấp quần áo, buộc dây giày. Thông qua hoạt động các em học sinh vừa được vui chơi, rèn luyện, trang bị kĩ năng cần thiết góp phần phát triển toàn diện.
Cùng với mục tiêu trên, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà trường đã tổ chức chùm hoạt động cao điểm gắn liền với Liên hoan chiến sỹ nhỏ Điện Biên trong đó có mô hình trải nghiệm “Đường đến Điện Biên”. Các em được trải nghiệm cùng nhau gánh đạn, lái xe thồ chở lương thực, vượt đèo A1, chui hầm Đờ Cát. Với những bộ trang phục được ngụy trang khéo léo, các em được hóa thân thành các anh chị dân quân, được trải nghiệm, hình thành kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng vận động như leo trèo, chui hầm…được giáo dục để hiểu hơn sự hi sinh của các thế hệ cha anh đã hi sinh anh dũng đổi lấy độc lập, tự do cho tổ quốc, giáo dục lòng tự hào dân tộc và lòng biết ơn. Từ những kĩ năng các em được rèn luyện ở trường mà các em đã có thói quen tự phục vụ bản thân tại gia đình.
3. Tổ chức các buổi tuyên truyền trực quan nhằm giáo dục kỹ năng phòng vệ cho bản thân
Đây là những kĩ năng mà ở lứa tuổi của học sinh tiểu học các em cần được trang bị giúp các em biết tự bảo vệ bản thân khi ở nhà một mình, khi tiếp xúc với người lạ… Chúng tôi cho học sinh thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp phản ánh về những vụ bắt cóc trẻ em trong đó có những vụ trẻ bị bắt cóc nằm trên địa bàn quận Long Biên, thông tin những vụ xâm hại tình dục trẻ em trên đài báo mà người thực hiện hành vi xâm hại thậm chí là người mà trẻ em quen biết. Để giúp các em có kiến thức và kĩ năng xử lí khi gặp phải các tình huống có nguy cơ bị bắt cóc, bị xâm hại, tôi lựa chọn hình thức giới thiệu cho các em thông qua hình ảnh pa nô như Quy tắc quy tắc 5 ngón tay, 6 cánh hoa để phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ em (XHTDTE). Qua các tình huống mà để các em lựa chọn cách giải quyết phù hợp nhất.
Trong mỗi buổi tuyên truyền, các nội dung cần thiết như không nói chuyện với người lạ, không xem điện thoại của người lạ, không nhận tiền, đồ ăn, đồ chơi hoặc sự trợ giúp của người lạ khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ các em được thực hành ngay trên sân khấu. Bên cạnh đó nhà trường cũng nhắc nhở để các em có kĩ năng như thuộc số điện thoại của bố mẹ. Khi các em đến nơi đông người như siêu thị, lễ hội nếu bị lạc hãy gặp lực lượng chức năng như bảo vệ, công an nhờ hỗ trợ. Khi ở nhà một mình: không nói chuyện, không mở của cho người lạ vào nhà.
Thông qua buổi tuyên truyền phòng chống XHTDTE giúp các em hiểu XHTDTE là gì? Các hành vi liên quan đến tình dục, những hành vi được gọi là XHTDTE, tuyên truyền tới các em về thủ đoạn chúng thường sử dụng để tiếp cận các em thiếu nhi. Trong buổi tuyên truyền, nhà trường giới thiệu cho các em học sinh những ảnh hưởng, hậu quả gây ra về mặt sức khỏe, thể chất, tâm lý, tinh thần với mong muốn các em biết tự bảo vệ chính bản thân mình.
4. Tổ chức Sân khấu hoá các nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, tiết kiệm điện, nước
Nội dung truyên truyền tiết kiệm đện nước, chống biến đổi khí hậu được dạy lồng ghép trong chương trình chính khoá, các tiết Hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, ở lứa tuổi học sinh tiểu học, các em chưa nhận thức rõ được giá trị tài chính, kinh tế và sức ảnh hướng đối với môi trường trong việc tiết kiệm điện, nước, chống biến đổi khí hậu. Gắn với nội dung này, chúng tôi chọn hình thức tổ chức Ngày hội bảo vệ môi trường với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, ý nghĩa. Bản tin thời tiết đặc biệt do học sinh vào vai các phát thanh viên tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường được sân khấu hóa bởi các diễn nhí đến từ các em học sinh giúp khán giả hiểu được thế nào là biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, sự tác động của lũ lụt, hạn hán với đời sống con người. Nhà trường tuyên truyền vai trò nhựa, sử dụng nhựa an toàn với đời sống con người thông qua tiểu phẩm “Gia đình nhà nhựa” là những kiến thức thiết thực để mỗi học sinh biết cách nhận biết và sử dụng nhựa an toàn trong sinh hoạt. Các em lại trở thành tuyên truyền viên về với gia đình
Đặc biệt trong chương trình là phần trưng bày những sản phẩm tái chế làm thành những chậu trồng cây, hoa, đồ chơi, đồ dùng học tập với nhiều chất liệu, nhiều màu sắc ý nghĩa, có tính ứng dụng vào cuộc sống, trưng bày tranh với chủ đề “Thiếu nhi Tiểu học Đoàn Kết chung tay bảo vệ môi trường”. Bài ráp “Chung tay bảo vệ môi trường” là phần kết cũng là thông điệp của ngày hội nhằm truyền thông, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh, các em học sinh trong nhà trường hãy bắt đầu từ hôm nay, từ những việc nhỏ nhất cùng bảo vệ môi trường. Trong ngày hội, chúng tôi đã thu hút được sự tham gia của nhiều cha mẹ học sinh, được truyền thông trên kênh truyền hình VTV1- chương trình Vì cuộc sống xanh. (2 số với mô hình nhà phân loại rác thải tại trường và sử dụng sản phẩm tái chế)
Phần “Tuyên truyền tiết kiệm nước” thông qua sân khấu hoá giúp các bạn học sinh hiểu được thế nào là nước sạch, nước sinh hoạt và nguồn nước. Bên cạnh đó các nhóm cũng nêu được thực trạng ô nhiễm nguồn nước ở nước ta, nhấn mạnh nước sạch là tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận vì vậy mọi người phải có ý thức trong việc khai thác, bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch. Các đội chơi cũng đưa ra các giải pháp nhằm tiết kiệm nước như: Khóa vòi nước sau khi sử dụng, tái sự dụng nguồn nước; không xả nước để chơi đùa gây lãng phí. Khi phát hiện nguồn nước bị rò rỉ, chảy lãng phí cần đóng lại và báo cho thầy cô, người thân trong gia đình biết để xử lý.
5. Tổ chức thực hành các tình huống giả định nhằm trang bị kỹ năng “sinh tồn” cho học sinh
Trước thực trạng trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung, quận Long Biên nói riêng có hiện tượng đuối nước thương tâm liên quan đến học sinh, nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra cướp đi sinh mạng, cuộc sống của bao người. Nhằm trang bị kiến thức, kĩ năng phòng chống đuối nước, kĩ năng xử lý khi có hỏa hoạn cho các em học sinh trên địa bàn quận Long Biên trước khi các em học sinh về nghỉ hè, lãnh đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là lãnh đạo phòng GD&ĐT đã giao nhiệm vụ, hỗ trợ để Trường Tiểu học Đoàn Kết tổ chức chuyên đề cấp Quận. Với hình thức tuyên truyền đa dạng, trực quan, nội dung phong phú, hấp dẫn, sử dụng và khai thác hiệu quả hiệu ứng âm thanh, khói, ánh sáng giúp các em học sinh có những trải nghiệm thực tế thông qua các tình huống giả định khi thực hành.
Trong buổi tuyên truyền các em còn được các thầy cô giáo hướng dẫn các cách xử lý khi gặp người đuối nước như: ném phao, ném vật nổi như can nhựa, thùng nhựa, dùng sào dài, dùng dây có buộc vật nổi… Biện pháp hiệu quả nhất đó là các em hãy đi học bơi đúng kĩ thuật, học các kĩ năng xuống nước an toàn.
Phần tuyên truyền kĩ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn là các tình huống hấp dẫn, các em được trang bị kĩ năng thoát hiểm khi lửa bén vào quần áo, kĩ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn tại rạp chiếu phim mô phỏng, sau khi được trang bị kiến thức, các em được thực hành tại sân trường và xử lý tình huống giả định khi xảy ra hỏa hoạn trên lớp học.
Buổi tuyên truyền đã ứng dụng công nghệ thông tin được truyền hình trực tiếp đến 100% các em học sinh trên địa bàn quận thông qua fanpage của ngành, thông qua xem lại trên nền tảng Youtube. Chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực sau buổi tuyên truyền này. Đây cũng là sự quan tâm, tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo UBND quận Long Biên đặc biệt là lãnh đạo Phòng GD&ĐT dành cho các em học sinh, những chủ nhân tương lai đất nước.
Kính thưa các vị đại biểu, thưa các thầy cô giáo dự Hội nghị
Trong khoảng thời gian ngắn, tôi đã trình bày trước Hội nghị một số cách “Tổ chức hiệu quả, sáng tạo các hoạt động giáo dục kĩ năng mềm cho học sinh tiểu học”. Đây là một số kĩ năng rất cần thiết và hình thức tổ chức tương ứng thu hút các em, bên cạnh đó còn nhiều kĩ năng khác được nhà trường tổ chức hàng tuần, hàng tháng giúp cho các em có được hành trang quý báu. Các em an toàn mỗi ngày đến trường và từ các bài học ở trường trở về với cuộc sống của các em để góp phần tạo nên sự an tâm của cha mẹ học sinh. Đó cũng là cách chúng tôi thực hiện lời nhắn nhủ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn với 3 chữ “an” mà mỗi nhà trường mong muốn và nỗ lực thực hiện trong từng năm học.
Tôi xin phép được thay mặt các thầy cô giáo của nhà trường xin kính chúc các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công, chúc cho ngành GD&ĐT quận Long Biên năm học 2024-2025 gặt hái được nhiều thành tích cao hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn!