Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường giúp cho đời sống kinh tế, xã hội của người dân ngày càng cao, phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, mặt tốt đạt được cũng có những hệ lụy tác động đến đời sống vật chất, tinh thần, tư tưởng, văn hóa, ứng xử của người dân dẫn đến những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các em học sinh như bạo lực, tự kỷ, rối loạn hành vi, stress. Sự thay đổi về tâm sinh lý, môi trường học tập cũng sẽ thay đổi đến tính cách, hành vi của một số em. Vậy trong nhà trường sẽ xử lý các vấn đề này như thế nào?
Tủ tài liệu có các tài liệu liên quan đến tâm lý học lứa tuổi và hồ sơ tư vấn
Xuất phát từ những lý do đó, năm học năm học 2017 - 2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 31/2017/TTBGDĐT ngày 18/12/2017 về việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông để giải quyết những thực trạng trên. Thực hiện các quy định của ngành năm học 2020-2021, trường Tiểu học Đoàn Kết xây dựng Kế hoạch số 48/KH-THĐK ngày 7/9/2020 về việc triển khai các hoạt động tổ tư vấn tâm lý học sinh với các công việc cụ thể như: Thành lập Ban tư vấn tâm lý học sinh gồm đồng chí Hiệu trưởng là trưởng ban, đồng chí Phó hiệu trưởng và đồng chí giáo viên Tổng phụ trách là phó ban, các đồng chí giáo viên chủ nhiệm là ủy viên. Bên cạnh đó Ban tư vấn tâm lý học đường còn có một bác trong thường trực Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường và một em Liên đội trưởng là ủy viên. Nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ, lịch trực của các thành viên rõ ràng, có báo cáo định kỳ và báo cáo trực tiếp các trường hợp đặc biệt. Ban tư vấn tâm lý học đường có phòng làm việc riêng, có tủ tài liệu và hồ sơ tư vấn tâm lý học sinh, đảm bảo nguyên tắc mọi thông tin của học sinh tư vấn đều được giữ kín.
Bộ hồ sơ tư vấn tâm lý gồm các mục cụ thể
Từ đầu năm tới nay, các thành viên trong Ban tư vấn tâm lý học đường đã hỗ trợ tâm lý, tư vấn đối với 5 học sinh khi gặp phải tình huống khó khăn trong học tập, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ với người khác hoặc nhận thức bản thân. Từ đây, giúp các em tăng cảm xúc tích cực, tự lựa chọn và thực hiện quyết định trong tình huống gặp phải. Ban tư vấn tâm lý học sinh đã phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, với giáo viên chủ nhiệm để chủ động tìm hiểu thông tin, chia sẻ thông tin, phối hợp tháo gỡ những khó khăn gặp phải của học sinh. Ban tư vấn giao cho giáo viên Tổng phụ trách lồng ghép các nội dung tuyên truyền để học sinh biết được vị trí, vai trò, hiệu quả của phòng tư vấn tâm lý học đường để nơi đây luôn là địa chỉ tin cậy khi học sinh gặp khó khăn cần chia sẻ, tháo gỡ. Các thầy cô, các thành viên Ban tư vấn luôn làm tốt, hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường góp phần xây dựng “Trường học hạnh phúc” – “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui.”