Thực hiện kế hoạch số 300/KH-UBND ngày 15/8/2019 của Ủy ban nhân dân quận Long Biên về “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn quận Long Biên đến năm 2020 và các năm tiếp theo, trường Tiểu học Đoàn Kết tổ chức tuyên truyền, vận động đến cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh cùng chung tay chống rác thải nhựa sử dụng một lần.
Ngay trong ngày đầu tiên học sinh tập trung ôn tập hè, ngày 19/8/2019, trong buổi sinh hoạt dưới cờ, cô tổng phụ trách Trần Thị Phương đã có bài tuyên truyền thật ý nghĩa và thiết thực.
Đầu tiên, cô Phương cho các em học sinh chia sẻ những hiểu biết của mình về những sản phẩm được làm từ nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần. Học sinh hào hứng kể ra những vật dụng thường thấy trong mỗi gia đình.
Vậy, rác thải nhựa dùng một lần có ảnh hưởng như thế nào đối với môi trường và sức khỏe con người?
Chúng ta thường nghĩ các loại rác thải sau khi bị vứt đi sẽ được đưa vào các nhà máy xử lý rác. Trên thực tế, một phần lớn chúng sẽ đến những bãi chôn lấp và thậm chí tệ hơn là tuồn ra đại dương, ao, hồ, sông, suối, …. Điều gì thực sự xảy ra với mảnh rác đó? Và nó sẽ ảnh hưởng đến môi trường của chúng ta trong bao lâu?
Loại rác thải để lại hậu quả lâu dài nhất chính là nhựa. Hơn 50% lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày nằm trong những sản phẩm nhựa dùng một lần, có nghĩa là quá nửa trong số hàng triệu tấn sản xuất ra mỗi năm chỉ đem lại cho con người cảm giác tiện ích trong vài phút như: cốc nhựa, chai nhựa, ống hút, túi nilon,… và sau đó bị vứt ra môi trường và trở thành những thứ đồ nhựa vô dụng, nhưng những thứ vô dụng ấy tồn tại trong môi trường tự nhiên lại vô cùng nguy hại vì chúng rất khó phân hủy nhưng lại dễ sản xuất.
Túi nilon được con người sử dụng chính thức từ khoảng năm 1957, sau đó mới phát triển và bùng nổ vì sự tiện lợi của nó. Cuộc sống hiện đại, nên những sản phẩm mang tính tiện lợi lúc nào cũng được con người ưu tiên sử dụng: túi nilon xuất hiện mọi nơi: từ cửa hàng, siêu thị, các khu chợ… từ đồ khô, đồ nước, từ đồ tươi đến đồ chín… tất cả đều được bọc và đựng trong túi nilon.
Hình ảnh quen thuộc trong sinh hoạt của con người tại các khu chợ dân sinh là xách lỉnh kỉnh các loại đồ ăn thức uống đựng trong túi nilon, thậm chí mỗi loại đựng một túi, không chỉ thành phố mà ở cả nông thôn; từ người mua đến người bán mặc định gói đồ trong túi nilon. Mà các túi nilon được sử dụng phổ biến đó đều là túi không phân hủy vì giá thành rẻ.
Vậy, khi thải ra môi trường, những rác thải nhựa dùng một lần mất bao lâu để phân hủy?
Một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất song để phân hủy thì cần từ 10 đến 100 năm. Một chai nhựa đựng nước bạn uống hằng ngày có thể tồn tại lên đến 1000 năm trong môi trường tự nhiên. Những chiếc ống hút nhựa dùng hàng ngày để phân hủy mất 100 đến 500 năm. Những chiếc hộp xốp mà chúng ta vẫn hay dùng để đựng thức ăn cũng mất 50 đến 500 năm để phân hủy….
Việt Nam được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Thống kê của Bộ TN&MT cũng cho thấy, mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm 7 - 8%, chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon mỗi ngày.
Đa phần những rác thải nhựa dùng một lần khi thu gom không được phân loại và xử lý đúng cách. Một lượng lớn rác thải nhựa tồn tại trong môi trường tự nhiên mất từ 10 đến 1000 năm để phân hủy. Và khi chúng bị phân hủy không có nghĩa là đã bị loại trừ hoàn toàn, mà chỉ là từ một mảnh lớn bây giờ chúng tách thành những mảnh nhỏ xíu và tiếp tục phá hủy môi trường, đại dương từng chút một. Nhưng nguy hiểm hơn là hạt vi nhựa, hạt nhựa siêu vi (rất nhỏ) đến từ nguồn do rác thải nhựa phân hủy có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật biển, qua đó nhiễm vào và phá hủy tế bào trong cơ thể người khi ăn cá và các loại sinh vật biển.
Còn nếu rác thải nhựa, nylon khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Với những tác hại rất lớn từ nguồn rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa dùng một lần, mỗi chúng ta cần làm gì để phòng chống, giảm thiểu lượng rác thải nhựa dùng một lần trong cuộc sống? Câu hỏi được đặt ra cho mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh toàn trường và cả cha mẹ các em để tiếp tục suy nghĩ, tìm ra những biện pháp thiết thực nhất, bằng những hành động cụ thể để giảm thiểu tối đa việc sử dụng những sản phẩm làm từ nhựa sử dụng một lần.
Học sinh tìm hiểu những việc làm thiết thực để giảm thiểu tối đa rác thải nhựa dùng một lần trên bảng tin tuyên truyền của nhà trường