Kính chào quý thầy cô và các em học sinh thân mến!
Nhà văn Macxin Gorki đã từng nói: “Mây đen có thể che được ánh sáng mặt trời nhưng không gì có thể che được ánh sáng của sách mang lại. Mỗi cuốn sách đều mang tới cho người đọc rất nhiều ý nghĩa của cuộc sống không chỉ với người lớn với trẻ thơ mỗi cuốn sách còn là một thế giới bí ẩn, khám phá nó sẽ thấy được vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống”.
Đúng như vậy, ngày hôm nay tôi sẽ mang đến cho chúng ta chương trình giới thiệu sách tháng 3 với chủ đề: “Chào mừng ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3”
Thư viện trường Tiểu học Đoàn Kết xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng các em học sinh cuốn sách “Kể chuyện gương hiếu thảo”
Do Nguyễn Phương Bảo An biên soạn:
Với khổ : 14x21cm
Bề dày : 268 trang
NXB : Văn Học
Trang bìa được tác giả chọn màu xanh hòa bình với nền vàng nhẹ nhàng làm nổi bật dòng chữ đầy khuôn mẫu “Kể chuyện gương hiếu thảo”. Bên dưới của trang bìa là hình ảnh một gia đình đầy hạnh phúc, vui vẻ. Cuốn sách gồm ba phần:
Phần một: Gương hiếu thảo của những người con đất Việt (trang 9 – 82).
Phần hai: Hai mươi tư gương hiếu thảo của người Trung Quốc xưa (trang 87- 149).
Phần ba: Gương hiếu thảo trong những câu chuyện kể dân gian (trang 153 -261).
Các em ạ! Hiếu là nền tảng của mọi đạo đức, là đức hạnh mở đầu cho nhân cách mỗi người. Ông cha ta đã có câu:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống hiếu thảo từ ngàn xưa để lại như: Mai Thúc Loan (trang 9), Nguyễn Trãi – Thương cha đưa đến Ải Nam Quan (trang 21), Nguyễn Đình chiểu – Thương mẹ khóc mù mắt (trang 32)…
Hay Đoàn Tử Quang – Tấm gương về lòng hiếu thảo, hiếu học (trang 24)
...Vào năm Thành Thái thứ 12 (1900) triều đình tổ chức khoa thi Hương tại trường Nghệ An, Chánh chủ khảo kì thi là Khiếu Năng Tĩnh và phó chủ khảo là Mai Đắc Đôn. Hai người thấy một thi sinh râu tóc bạc phơ. Hỏi ra mới biết người đó tên là Đoàn Tử Quang, tính tuổi thí sinh này năm ấy vừa tròn tám mươi hai.
Hai vị quan trường thấy người học trò tuổi ngoài tám mươi mà vẫn đi thi lạ lắm và tỏ lòng bái phục …
Quan Chánh chủ khảo vừa cầm tay ông cùng đi, ngỏ lời động viên khen ngợi, vừa dò la xem sức lực, khả năng của ông ra sao bèn hỏi:
- Mắt cụ có mờ không?
- Dạ, hơi mờ ạ!
- Chân cụ có mỏi không?
- Dạ, còn có thể đi bộ, chạy, quỳ, đứng, lễ bái được ạ!...
Thí sinh tám mươi hai tuổi này đạt kết quả như thế nào qua kỳ thi Hương này? Tại sao đã tám mươi hai tuổi mà ông vẫn đi thi?
Quả đúng như vậy Lênin có câu: “Học, học nữa, học mãi” là việc học không bao giờ ngừng, học đến suốt đời.
Tìm đọc phần hai của cuốn sách các bạn sẽ biết được hai mươi tư gương hiếu thảo của người Trung Quốc xưa như: Lòng hiếu của vua Thuấn động đến trời đất (trang 88), Lòng hiếu thảo của Tăng Sâm (trang 91), hay Giang Cánh cõng mẹ chạy loạn (trang 124)…
Vào phần ba chúng ta sẽ được biết đến những gương hiếu thảo trong những câu chuyện kể dân gian như: Thuốc tiên cứu mẹ (trang 161), Ba vị thuốc quý (trang 205)…Hay câu chuyện:
Các em ạ! Để tìm hiểu thêm những tấm gương hiếu học, hiếu thảo khác nữa mời các bạn đến Thư viện trường Tiểu học Đoàn Kết chúng tôi đọc cuốn sách mang số đăng ký cá biệt TR191 “ Kể chuyện gương hiếu thảo”.
Đi từ Bắc vào Nam, từ trong nước đến ngoài nước, từ những câu chuyện kể dân gian gia đình không chỉ là tổ ấm mà còn là môi trường văn hóa đầu tiên của con người, nơi chuẩn bị hành trang cho mỗi cá nhân bước vào đời.
Là một học sinh trên đất Thủ đô ngàn năm văn hiến chúng mình đã có những việc làm gì để tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ? Ngay bây giờ tôi và các em hãy chăm học, chăm làm xứng đáng là: “Con ngoan trò giỏi”, xứng đáng là “Cháu ngoan Bác Hồ”.
Cảm ơn các thầy cô giáo và các em học sinh đã chú ý lắng nghe phần giới thiệu sách của Thư viện trường Tiểu học Đoàn Kết.
Xin chào và hẹn gặp lại!