Kính thưa các vị đại biểu!
Thưa các thầy cô giáo thân mến!
Từ năm 2018 cụm từ “Trường học hạnh phúc” lần đầu tiên được triển khai trong ngành Giáo dục và Đào tạo sau đó nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục đào tạo các cấp khi đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào "Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một môi trường hạnh phúc" nhằm lan tỏa những giá trị như: yêu thương, an toàn và tôn trọng trong các nhà trường. Hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng, không có một tiêu chí hay thước đo nào là chuẩn mực, cụ thể. Nó có giá trị định tính, mỗi một cá nhân, một tập thể đều có những quan niệm riêng về hạnh phúc. Nó phụ thuộc vào điều kiện, khả năng, mục đích và nhu cầu của mỗi người trong hành trình đi tìm hạnh phúc của riêng mình. Chính vì thế, khái niệm “Trường học hạnh phúc” vừa gần gũi, vừa yêu thương nhưng khi thực hiện lại cần sự quyết tâm rất lớn từ nhận thức tới hành động của cả một tập thể từ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để cùng thực hiện các tiêu chí xây dựng nhà trường. Ở đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được an toàn bao gồm cả thể chất và tinh thần, được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu, được có giá trị.
Xuất phát từ những giá trị cốt lõi đó, trường Tiểu học Đoàn Kết đã tổ chức Hội thảo xây dựng trường học hạnh phúc để tìm hướng đi, cách làm phù hợp với môi trường sư phạm, phù hợp với đội ngũ giáo viên, nhân viên và các em học sinh. Bước đầu nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều cách làm hay và đã thu được hiệu quả tích cực. Đến với buổi Hội thảo “Xây dựng trường học hạnh phúc” cấp cụm, trường Tiểu học Đoàn Kết đóng góp tham luận
“Phát huy nụ cười thân thiện lan tỏa yêu thương.” Cách làm này đã và đang phát huy lan tỏa yêu thương và góp phần tích cực xây dựng “Trường học hạnh phúc” tại ngôi trường Tiểu học Đoàn Kết của chúng tôi.
Có một câu ngạn ngữ rất hay nói về nụ cười đó là: “Nụ cười của bạn rất đáng giá, nó có thể mang lại cả một bầu trời, mang lại niềm hạnh phúc cho bất kì ai, kể cả khi người đó không thích bạn.” Các đồng chí hãy đặt vào vị trí là một học sinh. Khi tới cổng trường các em nhận được nụ cười thân thiện của các bác bảo vệ, của các thầy cô trong chi đoàn giáo viên, của thầy giáo Tổng phụ trách thì chắc hẳn sẽ rất là vui và hạnh phúc. Các em vào lớp học, thầy cô dừng lại chào học sinh của mình, nở một cụ cười thật tươi và rạng rỡ kèm theo lời chào thân thiện chắc hẳn không khí lớp học tiết đó sẽ rất nhẹ nhàng, hiệu quả bởi nụ cười của thầy cô đã lan tỏa, truyền cảm xúc tích cực cho các em học sinh ngay từ đầu buổi học. Quá trình lên lớp chắc hẳn sẽ có các em học sinh còn đùa nghịch trong lớp, còn chưa chú ý thực hiện theo đúng các yêu cầu của thầy cô, thầy cô hãy coi việc mắc lỗi là một phần của quá trình học tập. Các thầy cô hãy thường xuyên dùng công thức “khen” trước “chê” sau, nghĩa là, dù học sinh chưa ngoan đến đâu, cố gắng tìm ra vài điểm tích cực để khen; hãy dành cho các em học sinh những nụ cười hiện hậu sau khi nhắc nhở, phân tích những khuyết điểm của các em để các em cảm nhận được thầy cô đang tin các em, tôn trọng các em. Từ đây, các em quyết tâm thay đổi, lần sau không vi phạm nữa. Kết thúc một ngày học tập và rèn luyện tại trường vào lúc cuối giờ thầy cô lại nở nụ cười để chào các em và hẹn gặp lại các em vào buổi học lần sau thì chắc hẳn tất cả các em sẽ có rất nhiều cảm xúc tích cực, các em học sinh vui vẻ, lớp học luôn vui tươi đó chính là tiền đề để làm nên một lớp học hạnh phúc. Bên cạnh đó, hình thành cho học sinh sự mong muốn tìm hiểu kiến thức, tha thiết yêu trường yêu lớp, yêu thầy cô và bạn bè. Khi đó nhà trường thật sự là nơi “muốn đến” của các em. Nụ cười của thầy cô không chỉ có sức lan tỏa tới các em học sinh mà nó còn có hơi ấm lan tỏa tới các đồng nghiệp, với cha mẹ học sinh khi giao tiếp hàng ngày. Nụ cười ấm áp, thân thương, chân thành mang tính chất vừa gần gũi vừa tình cảm. Bắt gặp nụ cười này, tự nhiên mọi người sẽ cảm thấy vui sướng và tin cậy.
Tuy nhiên để có được những nụ cười ấy, để mỗi ngày thầy cô luôn luôn truyền cảm hứng, nguồn năng lượng cho các em học sinh thì bản thân các cô cũng phải không ngừng rèn luyện phấn đấu về chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; giải quyết công việc hợp lý, sắp xếp việc cá nhân, việc gia đình một cách hài hòa để khi tới trường các thầy cô dành mọi thời gian, tâm huyết cho học sinh, cho bài giảng. Thầy cô còn phải rèn luyện kỹ năng để nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho bản thân và học sinh của mình. Từ đó, thầy cô biết chuyển hóa cảm xúc chưa tích cực thành có tích cực để giải quyết được mọi vấn đề tiêu cực trong cuộc sống muôn màu. Bên cạnh đó thầy cô là quản lý trong nhà trường cũng cần quan tâm, chia sẻ đến đời sống vật chất, tinh thần của các đồng chí cán bộ giáo viên, nhân viên. Cần ghi nhận, biểu dương, động viên kịp thời những tấm gương tốt, những việc làm tốt để các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, tạo môi trường làm việc công bằng, dân chủ để tất cả tập thể luôn đoàn kết, nhất trí cùng phấn đấu xây dựng nhà trường ngày càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Kính thưa các vị đại biểu!
Thưa các thầy cô giáo thân mến!
Hành trình xây dựng lớp học hạnh phúc, nhà trường hạnh phúc không hề đơn giản, dễ dàng mà đó là một hành trình dài, nhiều gian nan và cũng lắm thử thách. Muốn xây dựng một trường học hạnh phúc, bản thân mỗi nhà giáo, nhà quản lý giáo dục chúng ta phải thay đổi, từ nhận thức đến hành động, từ những điều nhỏ nhặt nhất, ,cần lắm sự chung tay của tất cả chúng ta. Khi thầy cô giáo hạnh phúc thì trẻ đến trường hạnh phúc; Khi học sinh hạnh phúc thì cha mẹ học sinh hạnh phúc; khi cha mẹ học sinh hạnh phúc thì dấn đến xã hội hạnh phúc. Đây là điều mong mỏi và là xu hướng tất yếu của một xã hội tiến bộ và phát triển.
Kính thưa quí vị đại biểu!
Thưa các thầy cô giáo thân mến!
Đức Đạt Lai Lạt Ma có nói rằng:"Một nụ cười thành tâm sẽ khơi dậy trong chúng ta một phản xạ bẩm sinh rất nhạy cảm, hướng chúng ta đến điều thiện." Nụ cười đó không mất tiền mua, nó là phản ứng trung ương thần kinh trước cảm xúc của mình, thầy cô hãy
“Phát huy nụ cười thân thiện lan tỏa yêu thương” không chỉ với các em học sinh và còn góp phần tạo ra môi trường làm việc thân thiện, tích cực với đồng nghiệp, chan hòa, chia sẻ với cha mẹ học sinh.
Trên dây là tham luận của trường Tiểu học Đoàn Kết. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ của các trường bạn.
Xin trân trọng cảm ơn!